Tôi có 1 người bạn, gia đình khó khăn. mẹ cô ấy thì bệnh tật, tinh thần không ổn định. Người bố thì không bỏ rơi bà ấy, nhưng lại lén lút có một gia đỉnh khác.
Và bạn tôi chọn cách chấp nhận.
Không nói chuyện này với mẹ cô ấy, để bố cô được hưởng hạnh phúc với người phụ nữ khác.
Cô ấy hiểu bố mình là một người đàn ông khỏe mạnh mới ngoài 50 tuổi, ông ấy cần một người phụ nữ có thể ở bên cạnh theo đúng nghĩa đen
Cô ấy kể với tôi bố cô ấy rất yêu người phụ nữ này, bà ta trẻ hơn mẹ cô tới 10 tuổi, và hai người ấy muốn ở bên nhau.
Cô ấy muốn bố mình được hạnh phúc nên cũng không phản đối gì.
Tôi hỏi cô ấy là, cô ấy có thật sự chấp nhận và yêu thương người phụ nữ kia như mẹ mình không?
Cô ấy nói cô rất muốn, nhưng điều khiến cô ấy đau lòng là phải nói dối mẹ mình mỗi ngày. Mẹ cô ấy không biết gì về cuộc tình vụng trộm đó, và cô ấy cũng chẳng muốn mẹ mình biết chuyện đó làm gì
Tôi có thể hiểu được cô bạn tôi, khi đứng ở vị trí của người ngoài cuộc, tình yêu đúng là có muôn hình vạn trạng, khó mà hiểu hết được.
Như ví dụ của gia đình bạn tôi, nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn sẽ dễ dàng phán xét, cho rằng bố cô ấy đã lừa dối mẹ cô ấy.
Mới đầu thoạt nghe qua, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng khi cố gắng nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác, tôi hiểu cảm giác cô đơn và mong muốn thuộc về một ai đó khiến bố của bạn tôi làm như vậy..
Suy đi ngẫm lại, tôi thấy những điều ông ấy làm là hợp lý và có cân nhắc.
Người mẹ bị bệnh tâm thần đã nhiều năm, trong khi bố bạn ấy lại là người khỏe mạnh, hoạt bát và ông ấy đã chọn ở bên cạnh bà ấy vì bà ấy không còn ai khác.
Ông ấy đã chọn làm những điều đúng đắn. Những điều đúng đắn không phải lúc nào cũng khiến người ta hạnh phúc.
Sau đó, ông ấy đã tìm thấy tình yêu mới và đón nhận nó, may mắn là người phụ nữ kia đã chấp nhận hoàn cảnh của ông, mọi người đều vui vẻ,…
Câu chuyện nghe qua có vẻ phức tạp nhưng cũng thật hoàn hảo.
Thì thông qua câu chuyện trên, điều tôi đã học được là:
Vội vàng phán xét và lên án người khác khi không hiểu gì về họ là một hành vi rất tai hại. Nhưng hầu hết chúng ta đều có xu hướng đó.
mặc dù bạn không thể thoát khỏi những suy nghĩ phán xét, nhưng bạn có thể cố gắng để cho bản thân công tâm và ít định kiến hơn.
Chúng ta vốn có thể dành thời gian ra để tìm hiểu về tình huống trước khi đưa ra một lời lên án bất công và làm tổn thương người khác.
Và tôi nghĩ cách tốt nhất để luyện tập bản thân ít phán xét là nhìn vào những người xung quanh mình. Tôi lúc trước đã từng rất vội vàng phán xét và lên án nghiêm khắc những người gần gũi với mình. Đặc biệt là trong những mối quan hệ tình cảm, tôi luôn hình dung ra những viễn cảnh tồi tệ nhất mỗi khi phải tranh luận với người yêu.
Từ từ tôi nhận ra rằng, mọi người xung quanh thường sống đúng theo những kỳ vọng của chúng ta.
Ví dụ, khi bạn không tin tưởng và chỉ kỳ vọng ở mức độ thấp, thì đừng ngạc nhiên nếu như người đó cũng chỉ hành xử đến mức độ đó mà thôi. Bạn nghĩ rằng họ là người đàn ông tồi và không xứng đáng làm đàn ông thì họ cũng sẽ không cư xử như một người đàn ông khi ở bên cạnh bạn.
Tại sao họ phải cố gắng trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn đã quyết định giới hạn niềm tin và cho rằng họ chỉ làm được đến vậy mà thôi?
Có một câu nói trong cuốn Đắc nhân tâm mà tôi rất tâm đắc, hãy kỳ vọng cao vào người khác và họ sẽ cố gắng đáp ứng kỳ vọng của bạn.
Và ở một mức độ nào đó, nó thực sự hiệu quả!
Tôi thường sử dụng kĩ thuật này với mọi người, ví dụ như nói rằng: em biết anh có thể làm được mà.
- Anh là một người đàn ông tốt.
hoặc khi người yêu làm mình buồn, tôi thường nói là
- Em tin rằng anh không cố ý làm tổn thương em chỉ nói những lời này, nhưng em muốn anh biết rằng anh nói như vậy làm em rất buồn.
Đây giống như một cách dẫn dắt tích cực.
Khi một yêu cầu hoặc một lời phê phán nào đó được bộc lộ bằng những từ ngữ tích cực thì mọi người sẽ muốn lắng nghe nhiều hơn.
Sự kỳ vọng cao mà chúng ta dành cho người khác phải là một điều chân thực.
Đừng nói dối.
Nếu bạn cố tình nói dối, tất cả những gì bạn làm sẽ trở thành một sự thao túng độc hại. Khi bạn trao kỳ vọng cho người khác, bản thân bạn phải tin đó là sự thật.
Những người ngay lập tức nghĩ đến những viễn cảnh tồi tệ nhất thường đã có những trải nghiệm đau lòng trong các mối quan hệ trước đây và tiếp tục chuyển sự tiêu cực đó sang mối quan hệ hiện tại.
Có những người rất thiếu tự tin và đó là nguyên nhân khiến họ ngay lập tức đánh giá người khác. Họ đánh giá người khác như vậy thì cố gắng che giấu đi nỗi sợ hãi của chính mình
Sự tự tin không xuất hiện ngay lập tức và cũng không bao gồm tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta.
Sự tự tin đến từ việc nhiều lần thực hiện thành công một điều gì đó. Hành động càng được gặp đi lặp lại nhiều lần một cách suôn sẻ, bạn sẽ càng cảm thấy an tâm vì nó. Hành động càng khó thì càng cần phải lập lại nhiều lần để bạn trở nên thành thạo và tự tin
Ví dụ, nếu một ai đó nấu món cá kho nhiều lần, thì sau một thời gian, người đó sẽ cảm thấy tự tin vì kĩ thuật kho cá của mình.
Điều này không có nghĩa là người đó sẽ ngay lập tức tự tin về việc nấu món khác, chẳng hạn như bò kho. Nếu họ chưa từng nấu món đó trước đây
Ngoài ra, nếu ai đó tự tin vào kỹ năng nấu nướng của mình, điều đó không có nghĩa rằng người đó cũng tự tin trong kỹ năng giao tiếp. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ sự tự tin là một khái niệm dễ bị hiểu lầm và dễ bị đánh giá quá cao.
Mọi người nghĩ sự tự tin như một siêu năng lực khiến ai đó trở nên bất khả chiến bại, nhưng đó không phải là sự thật.
Nếu như quá cố gắng để trở nên tự tin, bạn sẽ có nguy cơ làm những điều không công bằng và phi lý
ví dụ như bạn khao khát sự tự tin bằng cách làm tổn hại người yêu của mình.
Hạ thấp sự tự tin của người khác sẽ không giúp cho bạn trở nên tự tin hơn. Và so sánh không bao giờ là một cách hiệu quả để bạn có được sự tự tin, mà chỉ là một sự lừa dối.
Nếu bạn so sánh bản thân với một người kém tự tin hơn bạn, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và được tiếp thêm sức mạnh.
Nhưng ngay khi bạn gặp ai đó có đủ tự tin cao hơn, bạn sẽ sụp đổ như một ngôi nhà được xây nên từ những quân bài. Việc cố tìm kiếm những người có cùng mức độ tự tin giống mình thì sẽ khiến bạn không có động lực tiến bộ.
Đây là lý do tại sao chúng ta không bao giờ nên so sánh giá trị, sự tự tin hay bất kỳ đặc tính nào của mình với người khác mà chỉ nên so sánh với chính bản thân mình trước đây thôi.
Bạn không nên cố gắng làm bất kỳ điều gì khác mà hãy tập trung để tiến bộ thêm 1% so với bạn của ngày hôm qua.
Cố gắng tự cải thiện bản thân mỗi ngày chính là điều tốt nhất bạn có thể làm để giữ cân bằng, để giảm thiểu sự nỗi sợ hãi và phán xét, và trở nên tự tin hơn.
Hãy tập trung vào bản thân. Tập trung vào hành động của bạn, tập trung vào thái độ của bạn, tập trung vào sự tiến bộ của bạn.
Khi ở trong một mối quan hệ, bạn và tôi trở thành “chúng ta”
Ở ngay bên trong cái “bong bóng chúng ta” này vẫn có hai cái bong bóng nhỏ hơn tồn tại đó là “bong bóng bạn” và “bong bóng tôi”.
Nếu bạn phát hiện ra một khuyết điểm ở bản thân, đừng cố thay đổi nó bằng cách thay đổi bạn đời của mình.
Sự can đảm có thể tạo ra sự khác biệt to lớn.
Bạn không cần phải tự tin để trở nên can đảm.
Bồi đắp lòng can đảm giống như tự nhảy khỏi vách đá và xòe đôi cánh trong quá trình rơi.
Dũng cảm chính là sự thừa nhận những sai sót và thiếu tự tin của mình, là dám đối mặt với thực tế để tâm hồn được thanh thản.
Bước đầu tiên này cực kỳ quan trọng.
Lặp đi lặp lại những hành động can đảm sẽ giúp bạn ngày càng tự tin.
Hãy giảm bớt những việc phán xét và tập trung gia tăng lòng can đảm, đừng kỳ vọng vào mọi người và đừng đánh giá quá cao sự tự tin của người khác.
Những hành động dũng cảm đã cứu được rất nhiều những mối quan hệ.
Cái tôi là cách chúng ta muốn thế giới nhìn nhận mình. Tự tin là cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân.
– Brian Mckenzie
Thông qua bài viết này, bạn cảm thấy bạn có hay đánh giá người khác vội vàng khi mới nghe qua câu chuyện của họ không?
Và bạn có nhận ra bạn chỉ có cảm giác tự tin về một điều gì đó mà bạn thành thục, chứ không phải là do so sánh bản thân với người khác không?
Hãy để lại những suy nghĩ và cảm nhận của bạn ở comment bên dưới nha.
Người đồng hành tinh thần của bạn
Yêu thương