Tôi có một người bạn làm developer, nó đạt được những thành tựu mà ai cũng mơ ước.
Nó vừa siêng vừa có tầm nhìn, nên không có gì lạ khi mọi nỗ lực của nó cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Nó thành lập công ty riêng, vươn lên dẫn đầu trong thời đại công nghệ 4.0
Và dĩ nhiên, ai thành công mà không tự hào về thành tích của mình, bạn tôi cũng vậy thôi. Nhưng niềm vui đó không ở lại quá lâu, không phải vì công ty thua lỗ hay không thể phát triển, mà là ông bạn “giám đốc điều hành” của tôi tự nhiên dở chứng, niềm đam mê ngày nào không cánh mà bay.
Nó từng xem công việc hiện tại là mục đích sống nên lúc nào cũng tràn trề năng lượng và quyết tâm theo đến cùng. Vậy mà giờ nó không còn động lực nữa rồi.
Cũng may, nó có một đứa bạn tốt là tôi :))
Nó đến tìm tôi, kể lể sự chán nản, kiểu như bây giờ nó không biết nó đang cố gắng vì điều gì khi không còn động lực và đam mê nữa.
Tôi thấy, một niềm đam mê lớn đến nỗi có thể xây dựng nên một cơ đồ như vậy thì không thể dễ dàng lụi tàn nhanh chóng thế được.
Và tôi quyết định giúp nó khai phá lại niềm đam mê nó từng có đối với công nghệ thông tin.
Lúc đầu nó cũng hoài nghi phương pháp của tôi :)) Nhưng sau khi cân nhắc và cảm thấy nó không thể tiếp tục tình trạng này thêm nữa, vì nó không muốn sống một cuộc đời vô nghĩa.
Nên nó đâu còn cách nào khác, phải làm theo cách của tôi thôi.
Mới đầu, nó loại bỏ hết những sự kiện bên ngoài, những sự kiện không cần thiết trong cuộc sống, tại nó cũng có tiếng trong ngành nên hay được mời tới những buổi tiệc tùng và họp mặt.
Tôi kêu nó thôi đừng đi nữa, dẹp hết cho tôi.
Tôi biết trong giới doanh nhân, người ta hay thông qua các bữa tiệc như vậy để tạo mối quan hệ và làm ăn.
Mà nó không để ý rằng nó đã dành quá nhiều thời gian và công sức để tham gia mấy cái hoạt động này, nên khi tôi kêu nó bỏ hết, nó có vẻ hoang mang, mặt cứ ngây ra không hiểu sao tôi kêu nó làm vậy. Nhưng với thân phận một người đang tìm giải pháp, nó phải nghe lời tôi.
Phần thứ hai của bài tập này là quá trình bạn tôi đã sử dụng để thắp lên tia sáng trong sự nghiệp của nó – cùng với các bước cụ thể mà bạn có thể thực hiện để giải quyết vấn đề này trong cuộc sống của chính mình.
Vì vậy, hãy lấy một cây bút và một cuốn sổ (hoặc mở một trang word trên máy tính) và chuẩn bị khơi lại tình yêu mà bạn từng dành cho nghề nghiệp mà bạn đã chọn lựa và theo đuổi.
Quay lại câu chuyện của bạn tôi, sau khi dẹp hết những sự kiện không cần thiết, nó có nhiều thời gian rảnh, nó tận dụng thời gian rảnh rỗi đó bằng cách tìm lại hình ảnh lúc mới dấn thân vào con đường nó chọn.
Nó đã đọc lại nhật ký khởi nghiệp của mình và thấy lại hình ảnh một đứa con trai chân ướt chân ráo mới bước chân vào lập trình, không có gì trong tay ngoài những hoài bão đẹp đẽ về tầm nhìn ban đầu cho công ty của nó.
Nó hối hận nhận ra mình đã đánh mất tầm nhìn đó trong những năm qua.
Thay vì tập trung vào việc làm cho lĩnh vực của mình trở nên dễ tiếp cận hơn (và thân thiện hơn) với thị trường mục tiêu, nó lại lựa chọn đưa ra những quyết định kinh doanh dựa trên việc củng cố danh tiếng và để phục vụ mục đích kiếm nhiều tiền hơn của mình.
Để khắc phục điều này, tôi khuyên nó nên gặp gỡ những người bạn cũ và những mối quan hệ trong ngành – những người đã ở bên nó khi nó mới khởi nghiệp.
Vì những cuộc trò chuyện này sẽ nhắc nhở nó lý do tại sao nó bắt đầu học lập trình và những giấc mơ thuở đầu về cách mạng hóa ngành công nghệ thông tin.
Và nhờ những cuộc gặp gỡ và thảo luận này, nó đã lấy lại tinh thần rất nhanh sau đó. Bạn tôi dành vài tuần lập lại danh sách các mục tiêu ban đầu và mục tiêu hiện tại. Sau đó đưa ra những ý tưởng về cách làm sao để có thể hợp nhất hai mục tiêu này.
Để tiếp thêm động lực cho bản thân, nó dành thời gian trong lịch trình để theo đuổi một dự án đam mê mà nó đã trì hoãn trong một thời gian rất dài.
Dự án này không mang lại lợi nhuận cho công ty của nó, nhưng lại song hành và phù hợp với mục tiêu cuộc sống của bạn tui hồi nó mới 23 tuổi và quyết định khởi nghiệp với hai bàn tay trắng.
Khi kết thúc dự án, nó không những khám phá lại động lực nội tại của mình mà còn nhắc nhở các đồng nghiệp về sự đổi mới của bản thân nó 30 năm trước.
Thông qua câu chuyện của bạn tôi, tôi mong bạn hiểu rằng sở dĩ một người đánh mất đam mê là vì họ đã lìa xa mục tiêu ban đầu của mình.
Ví dụ, khi bạn khao khát trở thành một giáo viên để truyền đạt kiến thức cho học trò của mình, và đó thật sự là đam mê cũng như mục đích ban đầu của bạn, nhưng sau một thời gian, bạn bắt đầu chạy theo sự thăng tiến, muốn có những danh hiệu mới, thành tích mới,… bla bla bla, tức là bạn đang rời xa mục đích ban đầu của mình, bạn bị lệch khỏi quỹ đạo và đó chính là nguyên nhân khiến cho niềm đam mê của bạn lụi tàn,… Nếu bạn muốn khám phá lại niềm đam mê và động lực mà bạn từng có cho sự nghiệp của mình, giống như bạn tôi đã làm, hãy thực hiện các bước sau.
Bước 1: Đánh giá cảm xúc của bạn
Khi bạn nhận ra mình không còn cảm thấy đam mê như trước, hãy tìm một cây bút, tờ giấy và dành khoảng 15 phút.
Bước đầu tiên này rất quan trọng để khám phá lại động lực nội tại của bạn. Nó có thể giúp bạn xác định chính xác lý do tại sao bạn cảm thấy như thiếu một cái gì đó.
- Trong nhật ký hoặc sổ ghi chép, hãy trả lời các câu hỏi sau. Hiện tại bạn có đam mê công việc của mình không?Nếu không, đây có phải là một vấn đề mới phát sinh gần đây?Bạn cảm thấy thiếu đam mê với công việc của mình bao lâu rồi?
- Tại sao bạn cảm thấy không đam mê?
- Là do bạn?
- Hay là do công việc bạn làm?
- Hãy coi đó là mục nhật ký đầu tiên của bạn và bắt đầu viết nhật ký mỗi ngày.Viết khoảng 10 phút mỗi ngày sau giờ làm việc.Viết ra giấy bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu bạn về một ngày của bạn.Làm đơn giản thôi. Đừng lo lắng về việc nó có “tốt” hay không – chỉ cần hoàn thành nó.
- Giữ nó riêng tư. Nhật ký của bạn sẽ chân thực hơn nếu bạn biết nó sẽ không bị người khác nhìn thấy.
Bước 2: Nhìn vào lịch trình của bạn
Nếu bạn có động lực nội tại rất cao, bạn nên cố gắng giữ động lực bên ngoài ở mức tối thiểu. Mặc dù cả động lực bên trong lẫn bên ngoài hoạt động rất tốt nếu được cân bằng với nhau, thì các động lực bên ngoài có xu hướng làm cạn kiệt động lực bên trong của một người có niềm đam mê cháy bỏng.
Bước này có thể giúp bạn tìm ra những gì bạn đang có – và những gì bạn có thể bỏ bớt.
1. Kiểm tra lịch/kế hoạch của bạn.
2. Trên một tờ giấy riêng, tạo ba cột.
3. Trong cột đầu tiên, hãy viết ra những sự kiện “phải làm”, những việc bạn không thể bỏ qua.
4. Trong cột thứ hai, hãy viết ra những sự kiện “nội tại”, những sự kiện mà bạn không muốn bỏ lỡ vì chúng mang lại cho bạn sự thích thú thực sự.
5. Ở cột thứ ba, hãy viết ra những sự kiện “bên ngoài”, những việc bạn làm để gây dựng uy tín hoặc tạo mối quan hệ, hoặc những việc bạn làm vì nghĩa vụ nhưng không muốn làm.
Ví dụ, đây là biểu đồ của bạn tôi.
Sự kiện phải làm | Sự kiện nội tại | Sự kiện bên ngoài |
---|---|---|
– Cuộc hẹn của bác sĩ – Họp hội đồng quản trị |
– Trại lập trình để giúp những người trẻ tuổi học viết mã – Ăn trưa với các lập trình viên mới, những người nhắc nhở tôi lý do tại sao tôi bắt đầu kinh doanh này |
– Bữa tối gây quỹ của Sherman – Cơ hội kết nối trong Gala vàng – Gặp gỡ với Igor Corp. để thảo luận về khả năng tích hợp các sản phẩm – Lớp học ngôn ngữ giúp tôi nói chuyện với người đứng đầu các tập đoàn nước ngoài |
6. Quyết định loại bỏ ít nhất một sự kiện ở cột 3 ra khỏi cuộc sống của bạn.
7. Viết nhật ký về việc điều này khiến bạn cảm thấy thế nào, liệu có bất kỳ hậu quả nào khi làm như vậy không và liệu bạn có cảm thấy mình có thể làm việc này thường xuyên hay không.
Bước 3: Quay lại vấn đề cơ bản
Bước này đòi hỏi nhiều thời gian và suy ngẫm hơn các bước trước. Tuy nhiên, nó có thể giúp bạn khám phá lại điều khiến bạn đam mê ngay từ đầu.
1. Lên lịch một kỳ nghỉ ngắn, khoảng 3 đến 5 ngày. (Nếu bạn có thể dành thêm thời gian nghỉ ngơi, tuyệt vời luôn.)
2. Cân nhắc ra khỏi nhà để làm việc, đặc biệt nếu bạn đang work from home hoặc nếu bạn cảm thấy công việc nhà và nghĩa vụ cá nhân sẽ cản trở quá trình làm bài tập này. Vì điều quan trọng ở đây là bạn phải thoát khỏi môi trường làm việc và to-do list dài thòn của mình để có thời gian tập trung vào việc suy ngẫm để làm bài tập này.
3. Hãy suy nghĩ về khoảng thời gian bạn bắt đầu sự nghiệp của mình.
4. Liệt kê 3 hoạt động hoặc mục tiêu mà bạn đam mê cháy bỏng trong khoảng thời gian đó.
5. Dưới mỗi hoạt động trong số ba hoạt động nêu trên, hãy liệt kê 2 hoặc 3 cách bạn có thể khám phá lại những hoạt động, mục tiêu hoặc niềm đam mê đó.
Ví dụ: đây là danh sách bạn tôi làm, bạn có thể tham khảo.
– Tôi đã từng thích tham dự các hội nghị để tìm hiểu về những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực của mình:
Tình nguyện phát biểu tại một hội nghị.
Tham dự một hội nghị vào năm tới.
– Khi mới bắt đầu kinh doanh, tôi rất thích gặp gỡ và thuê nhân viên mới:
Yêu cầu bộ phận nhân sự đưa tôi vào các cuộc phỏng vấn chọn lọc.
Lên lịch ăn trưa với nhân viên mới hai lần một năm.
– Bây giờ tôi là ông chủ, tôi nhớ lối thoát xã hội khi có những đồng nghiệp bình đẳng tại nơi làm việc:
Khám phá các cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các CEO khác, chẳng hạn như các câu lạc bộ điều hành địa phương.
Tìm một lối thoát xã hội khác, chẳng hạn như phòng tập thể dục hoặc câu lạc bộ sách.
Lên lịch ăn trưa với Giám đốc điều hành của một công ty khác ngoài lĩnh vực của tôi nhưng đơn giản là khiến tôi quan tâm (có thể là người phụ nữ đó có chuỗi cửa hàng trong khu vực.)
Nếu bạn không cảm nhận được tia lửa mà bạn đã từng có, bạn có thể phải quay trở lại cội nguồn của mình hoặc tìm một niềm đam mê mới. Suy ngẫm về cảm xúc của bạn, dành thời gian cho các hoạt động mà bạn yêu thích và nhớ lại sự nghiệp ban đầu của bạn có thể giúp bạn thắp lại ngọn lửa đã dần lụi tàn trong lòng bạn.
Nếu có bất cứ thắc mắc hay cảm thấy khó khăn ở bước nào, đừng ngần ngại đưa ra câu hỏi bên dưới comment, tôi luôn hồi đáp những thắc mắc có tính độc lập và chủ động đi tìm giải pháp của bạn.
Và nếu bạn biết có ai đang ở trong tình trạng bế tắc và chán nản trong sự nghiệp, hãy chia sẻ bài viết này tới với họ, bằng một cách nào đó, bjan dang trao đi những giá trị tới người khác thông qua hành động này.
Người đồng hành tinh thần của bạn