Select Page

Cách kết nối với đứa trẻ bên trong

tinh thần

 Bạn đã bao giờ trò chuyện với đứa trẻ bên trong chưa? 

Tôi có khá nhiều khách hàng trong độ tuổi 35-45, nhiều người trong số họ đã làm cha mẹ được nhiều năm rồi. Họ cảm thấy rất khó để có thời gian đọc một cuốn sách, suy ngẫm về cuộc sống hoặc đơn giản chỉ dành thời gian để ngắm hoàng hôn.

Tôi rất tiếc vì nhiều người trong số chúng ta không thể tận hưởng hết vẻ đẹp của cuộc sống. Có lẽ chúng ta không hạnh phúc vì chúng ta quá bận rộn đi tìm hạnh phúc.

Bạn có lẽ đã và đang nghĩ rằng, một lúc nào đó cuộc sống sẽ dừng hối hả và mọi thứ sẽ đâu vào đó để bạn có thể thảnh thơi và tận hưởng cuộc sống. Thư giãn. Mơ mộng. Hít thở.

Và sau những mệt mỏi, bạn lại tiếp tục tưởng tượng khoảnh khắc bình yên và thảnh thơi sau khi bạn “làm tròn trách nhiệm” chăm lo chu toàn cho gia đình, sự nghiệp,… 

Đối với nhiều người, thế giới này giống như một chuyến tàu tốc hành đang đi chuyển với tốc độ chóng mặt, và bạn nghĩ là tất cả những gì bạn làm sẽ giúp bạn cố thủ vững chắc ở tuổi trung niên.

Ừm 😉 tuổi trung niên có thể đẹp, nhưng không chắc nó sẽ yên bình đối với hầu hết chúng ta.

Tại sao càng trưởng thành càng rời xa đứa trẻ bên trong?

Chúng ta luôn tìm kiếm những thứ ngoài tầm tay, muốn tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong mọi thứ. 

Nhưng để tìm ra ý nghĩa này đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian để suy ngẫm. Đồng nghĩa với việc bạn sẽ bớt lại thời gian lướt Facebook hay Tiktok. Bớt lại thời gian để lo nghĩ về tiền bạc, tình cảm và những thú vui mới mẻ. Bớt đi thời gian để làm hài lòng người khác, cả thời gian hẹn hò và tụ tập. 

Thời gian của bạn đơn giản chỉ có vậy.

Và thời điểm “một mình” lúc suy ngẫm là một thứ gì đó nghe hơi “ghê” trong thời buổi này :)). Rất nhiều người còn cảm thấy tội lỗi khi phải dành thời gian để suy ngẫm mỗi ngày. Biết tại sao không?

Vì ai cũng có lý do để trốn tránh việc suy ngẫm nội tâm. 😌

Những ai đang làm cha mẹ thì hỏi: “Nhưng còn gia đình con cái tôi thì sao? Ai chăm lo cho họ?”

Còn người đang làm nhân viên hoặc đang khởi nghiệp thì hỏi: “Còn công việc của tôi thì sao?”

Và số còn lại sẽ đều thắc mấc: “Còn việc đọc thông tin trên mạng như tin tức trên Facebook, Twitter, các nhóm chat thì sao? Tui sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó và trở thành người tối cổ nếu tui không cập nhật mạng xã hội mỗi ngày,…”

Ôm ấp đứa trẻ bên trong

Cái giá của bận rộn:

Tất cả sự phân tâm, áp lực và căng thẳng trong cuộc sống có thể dẫn đến tình trạng kiệt quệ tinh thần và cáu kỉnh. Việc sử dụng mạng xã hội khiến bạn cảm thấy bị cô lập, cô đơn, thiếu ngủ và lo lắng.

Tâm hồn bạn luôn khao khát sự bình yên, bằng chứng là bạn luôn mơ về những giây phút bình yên vào một ngày nào đó khi mọi thứ đã chu toàn. Nhưng đôi khi bạn cảm thấy không thể cố gắng thêm nữa dù bạn chưa có gì bảo đảm cho sự bình yên bạn luôn khao khát!

Vì bạn bỏ đói tâm hồn.

Giống như việc bạn rất mệt mỏi và cần được ngủ, nhưng bạn tự nói với bản thân rằng chỉ khi nào xong hết việc thì sẽ nghỉ ngơi. Nhưng về lâu về dài tình trạng đó tiếp diễn và cơ thể bạn bắt đầu biểu hiện sự chậm chạp và uể oải. Nó đang phản đối bạn đó!

Tương tự đối với tâm hồn bạn, việc bỏ qua khao khát của tâm hồn sẽ làm nghẹt thở những bản năng tự nhiên, giảm của sự sáng tạo và trí tưởng tượng của bạn.

Làm bạn với đứa trẻ bên trong

Nhìn sâu hơn, những bản năng tự nhiên này bắt nguồn từ đứa trẻ bên trong bạn. Chúng ta không thể phớt lờ nó, đứa trẻ đó luôn luôn khao khát điều gì đó sâu sắc và có ý nghĩa hơn “sự bận rộn” của cuộc sống trưởng thành.

Nguyên nhân cốt lõi là vì con người muốn có cảm giác yêu thương và kết nối với người khác.

Đã đến lúc nhận ra đứa trẻ bên trong bạn

Bạn có nhớ phiên bản hồi còn bé của bạn không?

Bạn có nhớ đứa trẻ đã ôm cuốn truyện tranh cả ngày và háo hức chờ đợi giờ phát sóng những bộ phim hoạt hình mỗi tối. Nó mê ăn kem và thích nhảy lò cò, đi công viên nước,…

Đứa trẻ đó vẫn ở bên trong bạn, chưa bao giờ mất đi, đây là một sự thật không thể chối cãi.

Đứa trẻ ấy có thể từng mơ được làm siêu nhân, trở thành công chúa hay muốn gặp được Doremon, được đến một thế giới thần tiên nào đó. Ai cũng đã từng có những suy nghĩ thầm kín đó khi còn bé cả.

Nhưng không ai nhận ra từ khi nào những ý nghĩ đó đã mất đi, nhường chỗ cho những bận rộn lo toan trong cuộc sống.

Ngừng trốn tránh

Đôi khi bạn vô tình nhớ lại những mơ ước hồi nhỏ của mình và bật cười, cảm thấy những mơ ước trẻ con đó thật “hão huyền”, “ngớ ngẩn” hoặc “ngây thơ”.

Có lẽ bạn đã được người khác nói rằng bạn cần phải “lớn lên”. Trực giác của bạn đã bị phớt lờ và bạn cho rằng những mơ ước đó là không thực tế hoặc viển vông.

Và cứ thế, bạn bị cuốn theo sự mưu sinh, sống vì trách nhiệm và sự kỳ vọng từ người khác, cố gắng làm cho những người thân yêu của bạn hạnh phúc.

Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng… những người thực sự yêu thương bạn chỉ muốn bạn sống cuộc sống của mình. Họ muốn bạn hạnh phúc và thành công, không chỉ theo cách của họ mà còn theo cách riêng của bạn!

Những điều bạn cần ngừng xin lỗi:

  • Mơ mộng
  • Đam mê nhảy và hát một mình (và bị bắt gặp)
  • Tưởng tượng một thế giới khác tốt đẹp hơn thế giới này (và muốn thoát khỏi hiện tại)
  • Nỗ lực trong một lĩnh vực nghệ thuật nào đó. (ai nói rằng một người 40 tuổi không thể bắt đầu học chơi guitar?)
  • Làm những trò đùa nghịch ngợm và những hành động ngớ ngẩn (miễn bạn cảm thấy thoải mái để làm)
  • Tin vào linh cảm và trực giác của mình 
  • Dành thời gian cho bản thân
  • Nói “không” khi bạn mệt mỏi hoặc lịch trình không cho phép, đã có kế hoạch khác từ trước.
  • Chơi, cười và “khùng” (ý tôi khùng ở đây là những thứ người ta nhìn vào thấy rất đáng yêu và thoải mái nhưng hay gọi đó là “khùng”)
  • Xem những chương trình BẠN muốn xem chứ không phải những gì vợ/chồng/con cái/bạn bè của bạn muốn xem
  • Mơ mộng về những gì bạn muốn làm khi bạn già đi
  • Nghịch nước mưa và nằm đếm sao trên trời.
  • Bắn nước tung tóe trong hồ bơi, muốn chơi cầu trượt và đua xe điện đụng.
  • Đọc lại cuốn tiểu thuyết hoặc bộ truyện tranh yêu thích của bạn lần thứ 100 hoặc chơi một món đồ chơi nào đó.

Bạn hiểu ý tôi không? Đó đều là những thứ bạn thật sự rất muốn làm nhưng bạn sợ người khác đánh giá. Rồi cuối cùng bạn không làm gì cả, chỉ cảm thấy tiếc nuối và cho rằng mình đã già, không còn phù hợp để chơi những trò đó nữa.

Tại sao bạn nghĩ rằng khi trưởng thành, bạn phải rũ bỏ tất cả sự ngây thơ và hồn nhiên đó?

Tại sao bạn nghĩ rằng khi trưởng thành, bạn nên ngừng đáp ứng nhu cầu của mình và chỉ quan tâm đến nhu cầu của người khác?

Tại sao bạn nghĩ rằng sự ngớ ngẩn, phiêu lưu và tiếng cười bụng chỉ dành cho trẻ em chứ không phải cho bạn?

Chơi đùa với đứa trẻ bên trong

Dành chút thời gian để suy ngẫm:

Hãy dành một phút ngay bây giờ và tự hỏi: 

Có phải bạn đang bỏ qua những ham muốn sâu sắc của mình vì những quan niệm xã hội về “trưởng thành” và “có trách nhiệm”?

Bạn có liên tục bỏ qua nhu cầu và mong muốn của mình vì bạn cảm thấy những thứ khác quan trọng hơn nhu cầu của bạn?

Hay tệ hơn, bạn đang cho phép người khác xem thường và chế giễu những ước muốn thầm kín của bạn, chỉ vì nó không phù hợp với quan điểm của họ?

Làm thế nào để tìm thấy đứa trẻ bên trong?

Trước khi kết nối với khía cạnh trẻ con và rất đỗi tự nhiên của mình, bạn phải tìm ra đứa trẻ đó… bằng cách nhớ lại cảm giác ngây thơ, hồn nhiên trong quá khứ.

Nếu bạn không thể tìm thấy những điều này trong quá khứ, hãy cân nhắc những gợi ý sau đây:

  • Lập danh sách những thứ bạn thích hồi còn nhỏ.
  • Đọc lại một cuốn nhật ký cũ mà bạn giữ từ thời thơ ấu.
  • Tìm một bức ảnh hồi nhỏ của bạn. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khó khăn với bản thân, hãy nhìn vào bức tranh đó. (Nó sẽ nhắc nhở bạn đối xử với bản thân dịu dàng hơn).
  • Thực hiện một chuyến đi trong ngày đến bãi biển, rừng, núi, v.v.
  • Đến một trại trẻ mồ côi hoặc đơn giản chỉ là đến nhà người quen đã có con, và chơi với con của bạn mình. Nếu được, hãy trông trẻ một đêm để nhìn thế giới từ quan điểm của nó. Điều này sẽ làm bạn thay đổi cách suy nghĩ rất nhiều.
  • Mời đứa trẻ ấy ra ngoài để tận hưởng cuộc sống cùng bạn.
  • Đọc những câu chuyện cổ tích thời thơ ấu mà bạn yêu thích, hoặc xem chương trình Ngày xửa ngày xưa. (tôi với bạn tôi hay diễn lại vai Tấm cám mãi 🤣)
  • Xem những bộ phim bạn mê hồi nhỏ (tôi hay xem lại Masupilami và Tarzan, tới giờ lâu lâu tôi vẫn xem)
  • Tôn trọng mong muốn được ở một mình mà không bị làm phiền của bạn. Đừng cảm thấy việc dành thời gian cho bản thân là vô trách nhiệm.

Tìm thấy đứa trẻ bên trong

Làm thế nào để kết nối với đứa trẻ bên trong?

Sau khi đã dành thời gian đi tìm đứa trẻ đó, bạn cần lưu ý vài điều:

Tin vào trực giác

Đừng quên rằng cảm nhận của đứa trẻ ấy là điều hợp lý. Dù bạn có cảm thấy những hành động đó không phù hợp để làm, nó vẫn phù hợp với đứa trẻ ấy! Sâu thẳm bên trong bạn muốn làm điều đó! Chỉ là bạn đang tự nhủ bản thân mình không nên làm mà thôi.

Thay vì ngay lập tức gạt bỏ, hãy cứ làm đi và xem điều gì xảy ra tiếp theo. Sau đó, viết quá trình vào nhật ký và theo dõi quá trình này. (Đừng xem việc này là phí thời gian, bạn sẽ không thể ngờ bạn nhận lại được gì từ việc này đâu)

• Đừng sợ những điều không an toàn

Chúng ta hay tránh né nhiều thứ vì chúng “không an toàn” hoặc được xem là “ích kỷ”. Nhưng cách duy nhất để sống cuộc sống với sự hồn nhiên là biết chấp nhận rủi ro.

Đôi khi điều không thoải mái này là tiếng nói cho những gì bạn muốn ngay cả khi điều đó làm người khác thất vọng.

Tôi thấy bạn cảm thấy không an tâm khi bạn phải bỏ hết mọi việc, không cố ôm đồm mọi thứ để đành thời gian để nghỉ ngơi vào một buổi chiều tối.

Và việc bỏ hết mọi thứ để dành thời gian cho bản thân như vậy khiến bạn cảm thấy sợ hãi và lo lắng.

• Bỏ qua nhu cầu của chính mình (vì nhiều lý do):

Chúng ta hay cảm thấy tội lỗi khi làm những gì mình muốn thay vì những gì người khác muốn chúng ta làm. Nên nhớ rằng đôi khi quan tâm đến nhu cầu của chính mình không có gì sai hết. Đó cũng là cách bạn “dạy” người khác cách tôn trọng thời gian và nhu cầu cá nhân của bạn.

Và một sai lầm nữa là bạn luôn cố gồng mình diễn một vai nào đó để được người khác yêu thích và chấp nhận. Trời ơi, thay vì có suy nghĩ sai lầm đó, bạn chỉ cần chăm chú lắng nghe tiếng nói bên trong của bạn. Vì đó mới thật sự là những gì bạn thật sự tin, muốn và cần!

Ngồi bên cửa sổ

• Đừng ngại đọc truyện cổ tích:

Khi những tưởng tượng và suy nghĩ của bạn có vẻ hơi kỳ quái hoặc “trẻ con” đối với người khác, chả có gì phải lo cả.

Đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ vì có trí tưởng tượng sống động, vì đó là một đặc ân của tạo hóa mà không phải ai cũng có thể khai thác.

Tin tôi đi, bạn nên tự hào vì trí tưởng tượng của mình. Người khác cười nhạo trí tưởng tượng của bạn chỉ vì họ không thể phát huy hết trí tưởng tượng của họ mà thôi.

• Nói chuyện với chính mình bằng lòng trắc ẩn:

Đừng cứng nhắc với bản thân và đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân mình nữa. Tôi biết bạn luôn nghĩ bản thân tệ hại khi bạn cảm thấy chưa được chấp nhận trong cuộc sống.

Nhưng khi bạn kết nối với đứa trẻ bên trong, bạn sẽ bộc lộ bản thân một cách dễ dàng và hiểu được rằng không có lý do gì để tự trừng phạt vì một số khuyết điểm của mình hết.

Sau đó hít một hơi thật sâu và nói chuyện với đứa trẻ bên trong với lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Nói với nó rằng nó có thể bày tỏ những bất bình, uất ức và hờn dỗi trong lòng.

• Đi ngược lại những gì xã hội áp đặt (Khi cần thiết):

– Bạn có đang làm một công việc mà bạn ghét vì mọi người đều nói đó là điều “an toàn” nhất để làm không?

– Bạn có đang mang những niềm tin không phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn chỉ để dĩ hòa vi quý không?

Nếu có, bạn cần ngừng lại và bắt đầu đi theo những con đường đúng với bạn. Với tôi, tôi biết mình không đủ khả năng để ở trong một môi trường “an toàn” kìm hãm bản tính tự nhiên của mình.

Tôi tin rằng bất cứ ai, một khi đã suy nghĩ cẩn thận, đều có thể học cách tin tưởng bản thân ngay cả khi chúng ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng và khác người.

Ai nói người lớn không thể vui chơi?

Đã từ lâu rồi, bạn bị cuốn theo rất nhiều thứ đến nỗi bạn quên mất cách vui chơi và cười đùa thật hồn nhiên.

Bạn nên dành ít nhất một ngày một tuần để làm điều gì đó cho bản thân. Có thể học một môn nghệ thuật, nhảy múa và hát hò tùy thích. Tôi khuyến khích bạn hãy có một chuyến đi chơi với bạn bè hoặc vợ/chồng, chèo thuyền, đi tàu lượn siêu tốc, hiking, v.v.

Những đứa trẻ nô đùa

• Nói chuyện với đứa trẻ bên trong:

Đặc biệt đối với những người đã trải qua chấn thương tâm lý, việc kết nối với đứa trẻ bên trong có thể khó khăn và khó chịu, nhưng bạn cần đi chậm với quá trình này.

  • Đầu tiên, hãy ngồi trong tư thế thoải mái và hít thở sâu. Để cho đứa nhỏ ấy biết rằng nó được an toàn. Hãy kiên nhẫn, bạn sẽ nhìn thấy và nghe thấy nó, nó vẫn luôn luôn ở đó, dù bạn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa.
  • Nói cho nó hiểu rằng bạn muốn đưa ra quyết định tốt nhất cho nó và bạn đang có mặt ở đây để lắng nghe nó. Ngay cả khi điều đó gây tổn thương sâu sắc cho bạn. (tôi đã đi qua quá trình này bằng đau đớn và sau đó hoàn toàn hồi phục).
  • Ghi lại bất kỳ suy nghĩ hoặc hiểu biết sâu sắc nào xuất hiện. (tôi chọn cách ghi âm lại cuộc trò chuyện của tôi và nó, cuộc trò chuyện đó luôn ở trong tâm trí tôi).

Lời khuyên tốt nhất của tôi, bạn nên trải qua quá trình này với một nhà trị liệu nếu bạn đang đối phó với nỗi đau tinh thần trong quá khứ. Vì bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn và đau khổ nếu phải trải qua quá trình này một mình. Mặc dù tôi tự chữa lành cho mình, nhưng tôi biết điều này thật sự là một thử thách lớn nếu bạn chưa từng trải qua bất cứ cuộc tự suy ngẫm nội tâm nào trước đây.

• Viết một lá thư cho đứa trẻ bên trong:

Bạn có rất nhiều điều ước khi còn nhỏ nhưng chưa bao giờ có cơ hội được thực hiện. Vì vậy, hãy viết một lá thư cho phép bạn nói những điều này với chính mình và khẳng định sự tồn tại của đứa trẻ đã bị bạn lãng quên từ lâu.

Dỗ dành nó rằng nó vẫn được yêu thương và xứng đáng được yêu thương, dù cho nó có phạm lỗi lầm gì đi chăng nữa.

Sau đó, cho nó biết bạn thích điều gì nhất ở nó. Bạn ngưỡng mộ điều gì đó nó có mà bạn đã đánh mất khi trưởng thành. Tâm sự rằng bạn tôn trọng sở thích và niềm đam mê của nó,… Đó có thể là vẽ, viết, Legos, chơi piano hay giả vờ là Alice ở xứ sở thần tiên chẳng hạn.

Cuối cùng, hãy xin lỗi nó vì bạn đã bỏ mặc nó quá lâu, và để nó có cơ hội lên tiếng bày tỏ cảm xúc của mình ngay bây giờ. Nghe nó khóc, nghe nó trút bỏ hết những gì mà nó đã kiềm nén bấy lâu nay. (Và hãy kiên nhẫn, vì quá trình này tốn rất nhiều thời gian để nhớ lại được hết những gì bạn đã chôn giấu rất sâu. Việc này mất 2-3 giờ đồng hồ là điều bình thường)

• Just Be:

Chúng ta đều là những người phức tạp, luôn cảm thấy có quá nhiều điều nên làm thay vì chỉ ngồi và suy ngẫm. Khi trưởng thành, bạn có thể gây áp lực lên bản thân là phải làm việc thật hiệu suất,… bạn luôn cố gắng làm nhiều công việc hơn và đạt nhiều thành tựu hơn.

Tuy nhiên, điều bạn cần học nhất là cho cho mình thời gian để có thể ngồi lại và tận hưởng thời gian đó mà không cảm thấy tội lỗi. Nên nhớ rằng, đây là lúc những hiểu biết sâu sắc nhất của bạn được đưa ra ánh sáng.

Bên trong chúng ta luôn có một đứa trẻ

• Kết nối với những người cùng chí hướng:

Tôi thành lập một Nhóm Facebook dành cho những ai đang trên hành trình đi theo hành trình khám phá bản thân. Bạn có thể tham gia và đặt câu hỏi, làm quen với những người có cùng lý tưởng và nói về những điều khiến bạn trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn và có thể giúp bạn tìm thấy đứa trẻ bên trong mình để chữa lành nó, vì chỉ khi nó được chữa lành, cuộc sống của bạn mới có thể nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.

Bạn đã sẵn sàng kết nối với đứa trẻ bên trong mình chưa? Và còn bất kỳ điều gì ngăn cản bạn làm điều này nữa? Bạn nghĩ rằng bạn còn những trở ngại nào để bắt đầu hành trình này ngay lập tức?

Để lại suy nghĩ của bạn bên dưới, tôi luôn đọc những suy nghĩ và giúp bạn tìm ra giải pháp phù hợp nhất!

Người đồng hành tinh thần của bạn.

 

 

Pin It on Pinterest