Select Page
bàn tay có sự màu nhiệm

Đi Sâu Hơn Vào Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

tinh thần

Trong cuộc sống này, nơi mà việc trình diễn và chia sẻ chuyện riêng tư trở thành mốt, lời khuyên “Không bao giờ than phiền, không bao giờ giải thích” (never complain, never explain) có vẻ hơi khô khan và thiếu tình cảm.

Và mặc dù lời khuyên này không phải giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người, nhưng nó đã giúp tôi đối mặt và vượt qua những thách thức trong cuộc sống này.

Tôi nhớ hình như câu này xuất phát từ Benjamin Disraeli, một thủ tướng Anh trong thời kỳ Victoria, nhưng sau đó nữ hoàng Anh (Elizabeth II) đã chứng minh khả năng sử dụng câu nói này rất khéo léo. (Tôi rất thích)

Nữ hoàng Anh đã trải qua nhiều drama gia đình, cơ mà bà vẫn giữ thái độ mạnh mẽ trước những biến cố đau thương. Như mẹ bà đã làm trước đây, bà áp dụng phương châm này để bảo vệ sự riêng tư, tránh drama và duy trì hòa bình.

Đây không phải là một khái niệm mới, nguyên tắc “mạnh mẽ” của nữ hoàng đã thể hiện bản chất của sự kiên cường trong chủ nghĩa khắc kỷ.

1. Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?

Thông điệp quan trọng nhất của chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là dù chúng ta không kiểm soát những điều xảy ra, nhưng chúng ta lại kiểm soát được cách chúng ta phản ứng với những điều đó.

Khi chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa những gì chúng ta có thể thay đổi và không thể thay đổi, giữa những gì chúng ta có thể ảnh hưởng và không thể ảnh hưởng, thì cuộc sống trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Ít drama hơn. Ít than phiền hơn. Ít giận dữ hơn.

Chúng ta chỉ có thể kiểm soát những thứ diễn ra bên trong ta, không phải những thứ bên ngoài

Epictetus, nhà triết học Stoic Hy Lạp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt những thứ trong tầm kiểm soát của chúng ta (ý kiến, động cơ, mong muốn, sự chống lại) và những thứ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta (vận may, danh tiếng, hành động của người khác).

2. Tập trung vào vòng tròn ảnh hưởng

Đây đơn giản là không lãng phí thời gian và năng lượng vào những điều bạn không thể kiểm soát

Tại sao phải tốn công sức cho những điều không nằm trong quyền kiểm soát của bạn? Bạn không thể làm cho ai đó trở thành người mà bạn muốn, hoặc khiến họ cư xử theo cách bạn muốn.

Khi có điều không như ý xảy ra, việc dành thời gian than phiền về nó chỉ làm lãng phí năng lượng của bạn.

Bạn vĩnh viễn không thể kiểm soát tình huống bên ngoài.

Tuy nhiên, phản ứng của bạn đối với những tình huống đó lại nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Những điều bạn có thể kiểm soát bao gồm hành động và phản ứng của chính mình, mong muốn, tính cách và cách bạn đối xử với người khác.

Và dù tôi cẩn trọng khi sử dụng những từ như không bao giờ, luôn luôn, “Không bao giờ than phiền, không bao giờ giải thích” là một khẩu hiệu tuyệt vời để tránh tự xem mình là nạn nhân.

Phải luôn kiểm soát và quan sát phản ứng, suy nghĩ, hành động của mình

3. Tăng cường nhận biết việc than phiền

Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn bị hoặc lắng nghe ai đó than phiền về một điều gì đó.

Khi chúng ta than phiền, ngay cả khi nó nghe có lý đi chăng nữa, thì sao? Nó chẳng giúp được gì cho bản thân bạn hết.

Thay vào đó, bạn lại để cho người đã làm sai với điều gì đó với bạn – cho phép họ có quyền kiểm soát cảm xúc của bạn.

Tôi đã để người khác kiểm soát cảm xúc của mình trong suốt thời gian dài trước đây, mà thậm chí không nhận ra rằng mình đang tự xem mình là nạn nhân.

Tôi từng than phiền hết lần này đến lần khác về cùng một người hoặc một vấn đề nào đó. Tôi đã đẩy mình vào trạng thái căng thẳng do những lời chỉ trích hoặc hành vi người khác gây ra.

Tôi đổ lỗi cho các sự kiện và những người xung quanh vì những khó khăn mà tôi đang đối mặt. Tôi cho rằng người khác đã làm những điều gây ra trở ngại cho tôi và sự kiện bên ngoài đã xảy ra làm mọi thứ phức tạp thêm.

Và thật sự, tất cả những điều tôi than phiền, chẳng giúp được gì cho tôi cũng chẳng khiến cho mọi chuyển tốt hơn chút nào cả.

4. Chấp nhận những vấn đề đang xảy ra

Tập trung vào những gì bạn có thể làm về những điều đó

Vấn đề luôn xảy ra với tất cả chúng ta: cách chúng ta phản ứng với những rắc rối đó, những hoàn cảnh đó mới là điều quan trọng.

Tại sao?

ĐỐI TƯỢNG duy nhất mà chúng ta có thể tác động đến, ĐỐI TƯỢNG duy nhất mà chúng ta có thể kiểm soát, là suy nghĩ, hành động và cảm xúc của chúng ta.

Cho đến khi tôi nhận ra mình đang lãng phí toàn bộ năng lượng cho những điều tôi không thể kiểm soát, tôi mới có thể đối mặt với những vấn đề một cách lành mạnh hơn.

Và rồi sau đó, mọi điều tốt đẹp trong cuộc đời tôi mới thực sự bắt đầu!

5. Ngừng than phiền

Tôi biết rất khó để ngừng than phiền về những thứ bất như ý và khó chịu. Có thể là những điều lớn lao, những điều nhỏ bé, những thay đổi trong cuộc sống và cả những điều vặt vãnh hằng ngày. Tôi nhận ra rằng tôi đã đấu tranh với tất cả những điều đó, không chỉ với những vấn đề to tát, mà với bất-cứ-điều-gì-xảy-ra.

Ai đó va phải xe bạn trên đường cao tốc, bạn bực bội thét lên: “Bộ không biết lái xe hả, đồ ngu!”.

Nhà hàng xóm dắt chó lớn đi dạo nhưng không cột dây, và không may nó tấn công chó nhỏ nhà bạn trên đường bạn dắt chó của mình đi dạo, bạn bực dọc: “Đừng có để chó của cô tự do nếu cô không thể kiểm soát nó! Lần sau buộc dây cho đàng hoàng đi”.

Và cứ như thế cho những chuyện tương tự…

Theo thời gian, và sau không ít lần tự xem xét, tôi đã học cách ít phản ứng hơn trong những lần như thế, tôi cũng không còn than phiền khi những chuyện tương tự xảy ra.

6. Ngừng đổ lỗi

Tôi đã ngừng đổ lỗi cho mọi thứ bên ngoài dù có gì xảy ra đi chăng nữa, và tôi đã không phản ứng lại nữa. Thay vào đó, tôi đã học cách chịu trách nhiệm với suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi tập trung vào việc làm thế nào để xử lý phản ứng của mình một cách khác đi.

Khi bạn chấp nhận rằng bạn không thể thay đổi tình huống và người khác, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn để bắt đầu tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát.

Khi bạn ngừng đổ lỗi cho bất cứ điều gì bên ngoài khi bạn cảm thấy khó chịu và đau khổ, bạn sẽ tự động ngừng than phiền. Bạn không còn tự xem mình là nạn nhân nữa.

Than phiền chứng tỏ bạn không chấp nhận điều gì đó. Nó luôn luôn mang theo một lượng âm tính vô thức. Khi bạn than phiền, bạn đang biến mình thành nạn nhân. Khi bạn lên tiếng, bạn đang từ bỏ quyền lực của mình. Vì vậy, thay đổi tình huống bằng cách hành động và chỉ lên tiếng khi cần thiết hoặc khả thi; rời khỏi tình huống hoặc chấp nhận nó. Mọi hành động khác đều là điên rồ.

– Eckhart Tolle.

7. Phân biệt giữa than phiền và lên tiếng

Rõ ràng, trong cuộc sống có những lúc chúng ta cần “lên tiếng”, đưa ra lời than phiền của mình: có một con ruồi trong tô canh của bạn, điện thoại mới của bạn tự nhiên hư, dịch vụ bạn trả tiền không thể truy cập được,…

Đôi khi, nếu không thu hút sự chú ý của ai đó vào vấn đề thì sẽ không thể sửa chữa được điều gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể đề cập đến một vấn đề – chỉ ra những sai sót của vấn đề đó – mà không cần phải biến nó thành một mớ cảm xúc hỗn độn.

Nếu bạn than phiền, bạn đang biến người khác và những gì họ gây ra trở thành nguyên nhân cho cảm xúc của bạn. Nhưng tôi hỏi bạn, liệu bạn có thực sự muốn người khác đứng ra đảm nhiệm cho việc bạn cảm thấy như thế nào không? Đặc biệt nếu đó là người mà bạn cho rằng đã có hành vi tiêu cực với bạn?

Nhiều trường phái huấn luyện cuộc sống hiện đại và phát triển cá nhân được xây dựng trên nền tảng này: Chúng ta chỉ có thể kiểm soát những phản ứng, hành động, suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Nhưng lại không thể kiểm soát những tình huống bên ngoài có thể kích hoạt những phản ứng, suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Không nói đến những sự kiện thực sự khủng khiếp (như chiến tranh, thiên tai, tận thế…), bạn không chịu khổ vì những gì xảy ra với bạn, mà chủ yếu là do suy nghĩ của bạn và cách bạn phản ứng với những gì xảy ra, đó mới thực sự là nguyên nhân gây ra đau khổ.

8. Thực hành liên tục

Vậy lần tới khi bạn thấy mình đang than phiền về một ai đó hoặc điều gì đó, hãy tự hỏi những câu hỏi này:

Bạn có đang than phiền về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn không?
Bạn có đang đổ lỗi cho người khác vì tình huống khó khăn bạn đang gặp phải?
Bạn có mong đợi người khác làm điều gì đó để cải thiện tình hình không?

Nếu có, và nếu bạn không thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong việc chấp nhận tình huống, hãy tự hỏi, vậy tại sao bạn đang than phiền?

Hy vọng bạn ngộ ra được điều gì đó qua bài viết này, để có thể tự thoát khỏi ảo tưởng xem mình là nạn nhân và lựa chọn được những phản ứng có ý thức khi những tình huống bên ngoài xảy ra mà bạn không kiểm soát được.

Nếu có ý kiến và bất kỳ điều gì muốn chia sẻ, đừng ngần ngại để lại comment ở dưới nhé, tôi luôn luôn lắng nghe và hỗ trợ bạn

Người đồng hành tinh thần của bạn

Yêu thương

Pin It on Pinterest